Giá cà phê cao "chưa từng có"
Sau lúa gạo,ạocàphêđiềuđuanhaulậpkỷlụxsmn thứ 5 những ngày gần đây thị trường nông sản VN và thế giới lại nóng lên với câu chuyện giá cà phê. Giá cao "chưa từng có" là từ mà nhiều người trong ngành dùng để diễn tả giá mặt hàng này.
Theo chuyên trang Giá cà phê (giacaphe), kết thúc phiên giao dịch ngày 18.9, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London tiếp tục tăng phiên thứ tư liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 11 tới tăng thêm 10 USD, lên 2.566 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1.2024 tăng thêm 39 USD, lên 2.443 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York, kỳ hạn giao tháng 12.2023 tăng thêm 0,45 US cent, lên 159,6 cent/lb (cân Anh, khoảng 0,45 kg) và kỳ hạn giao tháng 3.2024 tăng thêm 0,8 cent, lên 160,55 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì ở cả hai sàn đều đạt mức rất cao.
Nguyên nhân do tin đồn Indonesia tạm ngừng giao hàng để ưu tiên cho ngành công nghiệp trong nước. Trong khi đó, VN cạn kiệt nguồn cung khiến giá cả tại thị trường nội địa tăng lên mức cao "chưa từng có". Cụ thể, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 2.500 đồng, lên mức từ 67.300 - 68.000 đồng/kg. Điều này đã góp phần hỗ trợ giá kỳ hạn trên sàn London tăng mạnh.
Giá gạo, cà phê, điều liên tục lập đỉnh
Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê cho biết giá cà phê có thể vượt 70.000 đồng/kg nhưng nông dân và DN không có hàng để bán và phải chờ đến sau tháng 10 mới vào vụ thu hoạch. Lượng cà phê dự trữ còn rất ít do mất mùa dẫn tới nguồn cung khan hiếm, chủ yếu để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết, nên sản lượng xuất khẩu trong tháng 8 đạt thấp.
Tính đến hết tháng 8, VN đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương giá trị 2,9 tỉ USD; tuy giảm gần 6% về lượng nhưng tăng 2,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng xuất khẩu giảm, nhưng bù lại giá cà phê xuất khẩu của VN tăng.
Tính đến tháng 8, chúng ta đã có tháng thứ 6 liên tiếp giá cà phê xuất khẩu tăng, ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta trong 8 tháng đạt 2.463 USD/tấn thì cũng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết sản lượng cà phê toàn cầu thiếu hụt khoảng 7,3 triệu bao (bao 60 kg) trong niên vụ 2023/24, nguồn cung cà phê thiếu hụt trong ngắn hạn và trung hạn. Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) cũng dự kiến sản lượng cà phê trong năm 2023 của Indonesia giảm khoảng 20% xuống còn 9,6 triệu bao. Thông tin này khá trùng khớp với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ: Sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023/24 đạt 9,7 triệu bao, giảm so với mức 11,85 triệu bao trong niên vụ trước và thấp nhất kể từ niên vụ 2011/12.
Bộ NN-PTNT dự báo, với tình hình thị trường hiện tại và lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,7 triệu tấn thì kim ngạch sẽ đạt mức kỷ lục là 4,2 tỉ USD.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê, khuyến cáo: Câu chuyện cung - cầu trên thị trường cà phê thế giới chỉ là phần bề nổi của tảng băng. Các DN trong ngành cần đặc biệt chú ý đến yếu tố lãi suất của các ngân hàng trung ương ở các nước, đây mới là yếu tố chính. Vì lãi suất ở các ngân hàng của cả bên mua và bên bán đều ở mức cao, các DN chỉ mua lượng hàng vừa đủ để "mua tay này bán tay kia" mà không có tích trữ. Nếu lãi suất, đặc biệt là Mỹ và Anh ổn định hoặc chỉ cần giảm nhẹ 0,25% sẽ ảnh hưởng đến giá và thị trường cà phê thế giới. "Về nguồn cung, hiện tại Trung Quốc vẫn cung cấp một lượng hàng lớn ra thị trường thế giới", ông Bình lưu ý.
Xuất khẩu hạt điều lập kỷ lục
Dù không quá nổi bật như lúa gạo hay cà phê, tuy nhiên trong tháng 8, xuất khẩu hạt điều của VN ghi nhận những con số ấn tượng, đạt 61.000 tấn, trị giá 334 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 10% về trị giá so với tháng 7; và so với tháng 8.2022 thì tăng 29% về lượng và tăng 22% về trị giá. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu hạt điều của VN đạt gần 396.000 tấn, trị giá gần 2,3 tỉ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 3,1 tỉ USD. Theo Hiệp hội Điều VN, hiện tại đang vào giai đoạn mùa tiêu thụ cuối năm, thị trường tiêu thụ tiếp tục khởi sắc và dự kiến với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, cơn sốt giá gạo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến hết tháng 8, VN đã xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo với giá trị gần 3,2 tỉ USD, gần tương đương với cả năm 2022. Dự kiến gạo VN còn có thể xuất khẩu trên 1 triệu tấn, với giá xuất khẩu hiện tại có thể đạt kim ngạch khoảng 600 triệu USD. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này tin rằng, khả năng năm 2023 VN có thể xuất khẩu đến 7,5 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 3,8 - 3,9 tỉ USD.
Đối với lĩnh vực rau quả, ngoài "ngôi sao" sầu riêng đã vượt 1 tỉ USD chỉ trong 8 tháng và hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm nhờ vùng trồng Tây nguyên vào vụ thu hoạch rộ, VN vẫn còn nhiều mặt hàng tiềm năng có thể tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm và cả năm sau.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết xuất khẩu chuối của VN đang tăng trưởng tốt không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà cả thị trường Trung Đông cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt hàng này có thể đạt kim ngạch khoảng 500 triệu USD trong năm 2023. Nguyên nhân do nhiều vùng trồng chuối lớn trên thế giới và cả Trung Quốc đang bị dịch bệnh Panama, do đó sản lượng giảm và cần thêm thời gian để phục hồi vùng nguyên liệu. VN có lợi thế nhờ phát triển sau nên chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, bên cạnh đó là lợi thế vì gần thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, chúng ra vẫn còn những sản phẩm như: mít, xoài, dừa, dưa hấu… Đặc biệt đối với trái dừa, từ đầu tháng 8 Mỹ đã cấp phép cho quả dừa tươi VN. Trung Quốc cũng đang xem xét cấp mã số cho dừa tươi VN được xuất khẩu chính ngạch. Nếu được thông qua sớm, kim ngạch xuất khẩu dừa thời gian tới sẽ tăng 2 - 3 lần so với mức trung bình nhiều năm qua, khoảng 250 triệu USD.
Như vậy, trong nhóm ngành rau quả ngoài mặt hàng tỉ USD là sầu riêng, VN sẽ có thêm một số mặt hàng đạt kim ngạch khoảng 500 triệu USD như: thanh long, chuối, dừa. "Dự báo xuất khẩu rau quả cả năm 2023 sẽ đạt kim ngạch 5 tỉ USD, một kỷ lục của ngành này", ông Nguyên nói.